TÁN GẪU Cuối cùng, người dùng cũng là vật hiến tế!

Thảo luận trong 'Café - Tán Gẫu' bắt đầu bởi Alan, 24/11/17.

  1. Những năm qua, khi xảy ra các vụ việc một số tổ chức bảo mật "nắm thóp" được một số hãng của Trung Quốc như Xiaomi hay Huawei về vấn đề bảo mật và thu thập thông tin người dùng, thì dư luận tại Việt Nam thường gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh. Điều đó cần thiết, nhưng hình như lại đang "để quên" những hành vi thu thập thông tin cá nhân đang diễn ra hàng ngày từ những tên tuổi còn lớn hơn.

    Chuyện thường ngày của… "đại gia"

    Trên thực tế, những vụ việc của Xiaomi hay Huawei bị xới lên, dù các hãng có thừa nhận hay không, thì dư luận cũng không còn nhìn về họ theo cách hoàn toàn "bình yên", và chỉ có thời gian mới đủ làm phôi phai.

    1735258.jpg

    Nhưng trong những luồng dư luận đó, cũng có rất nhiều kiểu cực đoan, thiếu công tâm và sòng phẳng. Hay nói chính xác hơn, có những dư luận xuất phát từ một phần định kiến nên sinh ra dè chừng. Tôi còn nhớ khi xảy ra vụ việc của Xiaomi cách đây chừng 3 năm, chủ của một diễn đàn về di động có lẽ uy tín nhất Việt Nam "xổ toẹt": "Ai nói Apple, Google… không đánh cắp thông tin cá nhân, thậm chí các ứng dụng OTT như WhatsApp, Viber hay Messenger… cũng thế thôi. Họ chính là những "bà cố" thu thập thông tin của người dùng một cách trái phép".

    Trên thực tế, hiện nay chúng ta sử dụng một số ứng dụng, nếu không đáp ứng việc chia sẻ vị trí, cho ứng dụng giám sát camera, danh bạ, tin nhắn.v.v… thì chưa chắc sử dụng được dịch vụ chúng ta cần. Cũng là "bánh ít trao đi, bánh qui trao lại" cả mà thôi chứ làm gì có gì miễn phí 100%, hoặc có miễn phí thì cũng trong một giai đoạn nào đó, đến khi ứng dụng "đủ lông đủ cánh" (mà cũng từ người dùng mang đến cho) thì quay lại "xơi" vào người dùng.

    Câu chuyện của Android...

    Bản thân đọc xong tin này "Google thừa nhận Android luôn theo dõi vị trí, kể cả khi đã tắt cài đặt" không thể không… "té ngửa". Và tôi nghĩ, mọi người cũng khó tránh được bất ngờ. Vì thường chúng ta tắt định vị GPS trên di động, đã nghĩ là không còn để lại "vết" cho ứng dụng rà quét. Nhưng bây giờ, ngay cả khi tắt ứng dụng, cũng bị "mò" ra nơi chốn, thì chẳng khác nào "chạy trời không khỏi nắng".

    maxresdefault.jpg

    Đó là Google, là một trong vài tập đoàn Internet lớn nhất toàn cầu hiện nay và có số lượng người dùng lên đến hàng tỉ. Ở Việt Nam còn có câu cửa miệng "dân ta phải học sử ta/cái gì không biết thì tra Google" nữa kia. Để thấy, Google cũng đã phổ biến ở Việt Nam như thế nào, với hàng chục loại dịch vụ, tính năng (Tìm kiếm, YouTube, Tin tức, Gmail, Drive, Lịch, Google+, Google dịch, Ảnh…) trong chỉ một tài khoản Google. Cho nên, người dùng có không bị lấy thông tin cá nhân ở ứng dụng này thì cũng bị ở ứng dụng khác, nghĩa là "tránh được vỏ dưa lại gặp vỏ dừa".

    Việc Android lấy thông tin vị trí của người dùng ngay cả khi tắt ứng dụng, được tạp chí Quartz cho biết là thông qua các mã Cell ID, còn gọi là các tháp. Và về nguyên tắc, để xác định vị trí một người ở đâu đó, chỉ cần thông tin từ ít nhất 3 trạm phát thì đã có thể thu hẹp khu vực vị trí của người cần tìm.

    Cũng đừng ngây thơ rằng, khi Google nói sẽ ngừng thu thập thông tin Cell ID từ cuối tháng 11/2017 thì người dùng sẽ thoát "ách" bị thu thập thông tin cá nhân. Còn đó những chính sách thu thập thông tin công khai, đổi chác bằng dịch vụ gia tăng thêm cung cấp từ Google. Ngoài ra còn rất nhiều cách thu thập thông tin khác, mà người dùng không biết, cũng chưa phát hiện ra, thì có lẽ vẫn còn được xem như chưa có chuyện gì xảy ra. Chỉ đến khi vỡ lở, mới thừa nhận, và lời cửa miệng có tính chất "khắc phục" là sẽ "ngừng… từ…", nhưng có thể cứ đến hẹn lại lên lại cam kết sẽ "ngừng… từ…".

    Câu chuyện của Facebook

    Nếu trường hợp Android thu thập vị trí người dùng được tạp chí Quartz tìm tòi và phát hiện, thì trường hợp Facebook bị nhân viên cũ tố luôn ưu tiên thu thập dữ liệu người dùng hơn là bảo vệ quyền riêng tư, chính là một sự vỗ mặt từ người trong cuộc. Mà người này, như đi guốc trong bụng, là Sandy Parakilas – một cựu quản lí về vấn đề bảo mật của Facebook. Ông này lên tiếng với New York Times rằng Facebook "không hề có ý định kiểm soát và bảo vệ quá trình sử dụng dữ liệu người dùng", mà ngược lại luôn muốn lạm dụng thông tin người dùng cho các mục đích của mình, phổ biến nhất chính là nhằm bán quảng cáo, gia tăng doanh thu quảng cáo. Nhờ thế doanh thu quảng cáo của Facebook được dự báo sẽ tăng lên 45% đến hết năm 2017 này và cán mốc 27,6 tỉ USD, qua đó giúp đẩy giá cổ phiếu tăng khoảng 50%.

    shutterstock_496650994-850x476.jpg

    Và vị cựu quản lí của Facebook đưa ra một cảnh báo rất đáng lưu tâm: Các nhà chức trách không nên để Facebook tự kiểm soát, tự điều chỉnh hành vi của mình!

    Vì để "tự thức tỉnh" hay "tự xử", chẳng khác nào "giao trứng cho ác".

    Đây quả là một điều oái oăm bởi ngay cả ở Mỹ và Châu Âu hay Nhật vẫn chưa có những chế tài phân định rạch ròi về các ranh giới thu thập thông tin người dùng của các công ty trong các lĩnh vực Internet, nội dung số, thương mại điện tử.v.v… Nói chính xác hơn, vấn đề này hiện hoàn toàn phụ thuộc vào sự "nhân từ" của các "đại gia" Internet. Nhưng sự nhân từ đó sẽ như thế nào khi phải chống chọi với những món lợi khổng lồ lên đến hàng tỉ, hàng chục tỉ USD từ quảng cáo, từ sự gia tăng giá cổ phiếu?

    VnReview​
     
    Alan

    Alan
    Expand Collapse

    Well-Known Member

    Tham gia ngày:
    15/7/15
    Bài viết:
    467
    Đã được thích:
    554

Chia sẻ trang này

PING